Tin tức trung tâm y tế

Tay chân miệng tiếp tục bùng phát nhanh tại khu vực phía Nam
[ Cập nhật vào ngày (25/10/2018) ]

Chỉ trong khoảng 1 tháng, các bệnh theo chu kỳ như sởi, tay chân miệng đột nhiên tăng mạnh số ca và mức độ nặng tại các tỉnh đông Nam Bộ


Tính từ đầu tháng 10 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã đạt con số kỷ lục 1.300 ca, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, giữa tháng 10, số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện lên tới 1.300 ca. Tại Khoa Nhiễm – thần kinh, mỗi ngày tiếp nhận hơn 200 bệnh nhi điều trị ngoại trú, trong khi khoa chỉ có 70 giường bệnh. Các bé được bố trí 2 bé/giường, lúc cao điểm có khi phải bố trí 5 bé/giường. Bệnh viện phải tiến hành cho kê thêm 90 giường, tận dụng hành lang bệnh viện để ứng phó với tình trạng quá tải.

BSCK II Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, tính đến giữa tháng 10-2018, Cần Thơ có 720 ca mắc bệnh tay chân miệng. Các quận huyện có số ca tăng cao hơn cùng kỳ gồm: Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh. Số ca bệnh tay chân miệng tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tỉnh Đồng Tháp là nơi có tổng số ca mắc tay chân miệng tăng cao nhất trong khu vực, tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận trên 2.000 ca (hơn 80% là trẻ dưới 3 tuổi), số liệu này vẫn chưa đầy đủ do bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị ngoại trú còn rất nhiều.

Điều đáng lo ngại là theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, từ khoảng nửa cuối tháng 9 đến nay, số ca bệnh nhập viện tăng gần 50% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, có một bệnh nhi 20 tháng tuổi đã tử vong vào cuối tháng 8.

Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết, vừa nhận được báo cáo tổng hợp từ các địa phương về tình hình dịch bệnh trên địa bàn trong thời gian từ giữa tháng 9 đến nay, qua đó cho thấy, bệnh tay chân miệng tăng cao đột biến.

Trong một tháng qua, toàn tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận có 302 ca bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị. So với tháng liền kề trước tăng 225 ca, chiếm tỉ lệ gần 300%. Tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có số ca bệnh tay chân miệng tăng như: Long Hồ (tăng 68 ca), TP Vĩnh Long (tăng 45 ca), Vũng Liêm và Tam Bình (mỗi nơi tăng 28 ca).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, mỗi năm có 2 đợt đỉnh điểm của bệnh tay chân miệng. Trong đó, đợt thứ 2 là từ tháng 9 đến tháng 11. Ngoài ra, tình hình bệnh tăng nhanh là do năm nay mưa nhiều, nước lũ dâng cao hơn mọi năm nên tác động đến yếu tố vệ sinh môi trường sống.

Liên quan đến các bệnh truyền nhiễm gây dịch, tháng qua tỉnh Vĩnh Long cũng ghi nhận có 2 ca mắc bệnh sởi đầu tiên của năm 2018.

Tại Hậu Giang, số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm 2018 đến nay là 343 ca (các ca bệnh chủ yếu ở độ 1 và độ 2A). Thế nhưng, theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hậu Giang, gần đây diễn biến bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng đáng kể.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng ghi nhận trên 500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, dịch bệnh đã xuất hiện ở tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Tại Cà Mau, ngành y tế dự phòng tỉnh cũng đang báo động về dịch tay chân miệng ở trẻ em với gần 600 ca mắc.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Vì vậy, để chủ động phòng chống, khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho cả người lớn và trẻ em.

Đặc biệt, người lớn phải rửa tay trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, khi bế ẵm trẻ, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ... Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.




admin




Tìm kiếm

Thông báo


SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI

Thư viện ảnh

thư viện VIDEO